Cổng vào Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Khu hành chính Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương.

Tập thể cán bộ Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương.

Lễ chào cờ tại Trung tâm

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương.

Các học viên tham gia giao lưu thể thao

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Đêm Giao lưu văn nghệ

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Tiết mục múa quạt của cán bộ Trung tâm

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Các y, bác sỹ khám chữa bệnh cho các bạn học viên

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Sơn La: Chủ tịch xã xin từ chức để đi... cai nghiện thuốc phiện



Ông Bạc Cầm Khổ - nguyên Chủ tịch UBND xã Mường É, huyện Thuận Châu (Sơn La) không giấu quá khứ “con nghiện” của mình mà công khai tất cả một cách minh bạch. Có lẽ chính bởi sự minh bạch ấy mà ông và nhiều người dân Mường É mới đoạn tuyệt được với cây thuốc phiện như hôm nay.


Bà con nông dân làm ruộng trên chính những cánh đồng cây thuốc phiện ở xã Mường É năm xưa.

 “Ở thập kỷ 90, tôi là một trưởng công an xã năng động, có nhiều thành tích, được đi báo cáo điển hình toàn quốc. Nhưng chính lúc ấy, tôi đã thành một con nghiện nặng” – ông Khổ thật thà kể.
Ngày ấy Mường É là một vùng có diện tích canh tác cây thuốc phiện rất lớn và tất nhiên là số người nghiện hút thuốc phiện cũng... nhiều như cây thuốc phiện. 

“Hút thuốc phiện ở vùng cao ngày xưa không đơn giản chỉ là thói quen, vì sẵn có mà đó còn là sự khẳng định đẳng cấp. Nhiều dòng họ đã quy định chỉ có người làm cán bộ, làm quan chức hoặc ít nhất thì cũng phải có cháu, chắt, tức là đã có lao động thay thế trong nhà thì mới được hút thuốc phiện” – ông Khổ kể lại.

Chuyện ông Khổ mắc nghiện thuốc phiện thì ở Mường É ngày ấy ai cũng biết, nhưng ngày ấy chuyện hút thuốc phiện của ông nó chỉ đơn giản như “chuyện thường ngày ở huyện”. Với lại, ai cũng biết ông Khổ là người năng động, là cán bộ sống vì dân, bởi thế ngay sau khi ông Khổ thôi giữ chức trưởng công an xã, ông đã được bầu làm Chủ tịch UBND xã với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối.

“Quyết định đầu tiên sau khi nhận chức chủ tịch xã là tôi xin thôi giữ chức chủ tịch xã để đi cai nghiện ma túy. Ngày ấy, cai nghiện khó khăn lắm và cũng ít người tự giác cai nghiện. Nhưng tôi tự thấy, nếu mình không cai nghiện được thì không chỉ mình chết mà hàng ngàn cư dân Mường É này sẽ là nạn nhân của ma túy, đói nghèo và lạc hậu. Vì thế, không ít người bảo tôi “hâm”, “điên”… nhưng tôi vẫn cương quyết trả chức và tự đi cai nghiện.

Cai nghiện thành công thì mất tới hơn 2 năm. Khi ông Khổ trở về thì uy tín càng tăng lên và ông tiếp tục nhận lại chức Chủ tịch UBND xã Mường É.

Nhiều người đánh giá, mấy năm làm Chủ tịch xã, việc ông làm được thành công nhất là chuyển hướng sản xuất - xóa bỏ cây thuốc phiện. Nói thì đơn giản, nhưng không dễ chút nào vì khi ấy hầu như nhà ai cũng có người nghiện ma túy, thuốc phiện; ngay cả trong cán bộ xã cũng mắc nghiện rất nhiều; mà đã nghiện hút thì tái trồng cây thuốc phiện là đương nhiên.

"Bởi thế đối đầu với ma túy là đối đầu với đồng chí, với anh em ruột thịt, họ hàng… Nhưng tôi vẫn quyết tâm, vừa làm vừa giải thích và tôi đã có những thành công không nhỏ. Bây giờ ở Mường É không còn ai tái trồng cây thuốc phiện nữa và tất nhiên là người nghiện hút thuốc phiện cũng không còn” – ông Khổ tươi cười bảo vậy. 

Theo báo Dân Sinh

                                                                                                                        

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Những triệu chứng HIV thường gặp ở phụ nữ

Nhiều triệu chứng HIV có thể giống nhau ở cả nam và nữ, nhưng có một số dấu hiệu rất riêng dễ nhận biết khi phụ nữ nhiễm HIV. 




Ảnh minh họa

Các tuyến bị sưng

Các hạch bạch huyết nằm khắp cơ thể bao gồm cổ, lưng, nách và háng. Là một phần của hệ thống miễn dịch, các hạch bạch huyết chống lại sự nhiễm trùng bằng cách lưu trữ các tế bào miễn dịch và lọc các tác nhân gây bệnh. 

Khi nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch khởi động, các hạch bạch huyết mở rộng, thường được gọi là các tuyến bị sưng. Đây là dấu hiệu thường thấy đầu tiên của HIV, các tuyến bị sưng có thể kéo dài trong vài tháng. 

Các triệu chứng giống như cúm 

Trong những tuần đầu sau khi nhiễm HIV, mọi người thường không có triệu chứng gì đặc biệt. Một số người có thể có các triệu chứng giống như cúm nhẹ: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban... 

Những triệu chứng này thường biến mất trong vòng vài tuần. Trong một số trường hợp, có thể mất đến 10 năm để các triệu chứng nghiêm trọng hơn xuất hiện. 

Những người bị nhiễm HIV có thể trải qua một thời gian dài sốt nhẹ. Nhiệt độ từ 99.8 ° F (37,7 ° C) đến 100.8 ° F (38,2 ° C) được coi là sốt nhẹ. 

Khi cơ thể bị sốt, chắc chắn đã có gì đó xảy ra với cơ thể, những người không biết tình trạng nhiễm HIV của họ có thể bỏ qua các triệu chứng ban đầu này. Đáng lưu ý, người nhiễm HIV thường hay đổ mồ hôi ban đêm có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, kèm theo sốt nhẹ. 

Thay đổi kinh nguyệt 

Phụ nữ nhiễm HIV có thể trải qua những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của họ. Các triệu chứng tiền mãn kinh có thể diễn ra nhanh và trầm trọng hơn. 

Phát ban da và lở loét 

Hầu hết những người bị nhiễm HIV đều dễ nhận biết qua các vấn đề liên quan tới da. Phát ban là triệu chứng phổ biến của HIV, có nhiều loại phát ban khác nhau liên quan đến tình trạng này. Nếu phát ban xuất hiện, nên đến cơ sở y tế để xét nghiệm càng sớm càng tốt. 

Lở loét xuất hiện trên miệng, bộ phận sinh dục, hậu môn của những người bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc đúng cách, các vấn đề về da sẽ trở nên ít nghiêm trọng hơn. 

Gia tăng bùng phát các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STI) 

Đối với những người đã bị STI, HIV có thể dẫn đến các triệu chứng xấu đi rất nhanh. Chẳng hạn như virus HPV gây ra mụn cóc sinh dọc sẽ hoạt động mạnh hơn. 

Bệnh viêm vùng xương chậu (PID) 

PID như là nhiễm trùng tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. PID ở phụ nữ nhiễm HIV có thể khó điều trị hơn. Ngoài ra, các triệu chứng kéo dài hơn bình thường hoặc trở lại thường xuyên hơn. 

Các triệu chứng của HIV và AIDS khi tiến triển 

Khi HIV tiến triển, các triệu chứng có thể bao gồm: Bệnh tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa, sút cân, đau đầu dữ dội, đau khớp, đau cơ, khó thở, ho mãn tính, khó nuốt. 

Trong giai đoạn sau, HIV có thể dẫn đến mất trí nhớ tạm thời, rối loạn tâm thần, hôn mê. Giai đoạn tiến triển của HIV là hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS). Ở giai đoạn này, hệ miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng, nhiễm trùng ngày càng nặng hơn. Một người nhận được chẩn đoán AIDS khi số lượng tế bào CD4 của họ giảm xuống dưới 200 tế bào trên một milimét máu (mm3). 

Tại thời điểm này, nguy cơ ung thư tăng cao như Kaposi sarcoma, lympho và ung thư cổ tử cung. 

Nhiễm trùng 

HIV làm cho hệ thống miễn dịch trở nên khó khăn hơn để chống lại mầm bệnh, vì vậy rất dễ bị nhiễm trùng hơn. Một số bệnh như viêm phổi, lao, nhiễm trùng nấm men miệng hoặc âm đạo phụ nữ (nấm Candida), việc điều trị cũng khó khăn hơn. 

Phụ nữ nhiễm HIV có khả năng bị nhiễm trùng cao ở một số bộ phận như: Da, mắt, thận, phổi, đường tiêu hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng virus và ức chế virus sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc NTCH (nhiễm trùng cơ hội) của một người. Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm như rửa tay thường xuyên cũng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng. 


Theo Healthline

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

Chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS



Theo Thông tư 27/2018/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS, người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV và người tham gia bảo hiểm y tế khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc, điều trị liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế (trừ trường hợp đã được các nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả).


Bảo hiểm y tế giúp người nhiễm HIV điều trị bền vững.

Người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả:
1- Thuốc kháng HIV (trừ trường hợp đã được nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả);
2- Xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả;
3- Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;
4- Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc kháng virus HIV và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;
5- Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh;
6- Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả);
7- Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Thông tư nêu rõ, người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế thực hiện việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trường hợp người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế trong địa bàn tỉnh và đang điều trị thuốc kháng HIV tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh có khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, nếu có nhu cầu thì được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở đó.

Trường hợp người bệnh đang điều trị HIV/AIDS nếu phát sinh bệnh khác mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có khả năng điều trị thì người bệnh được chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định pháp luật.

Trường hợp người đang điều trị thuốc kháng HIV đi công tác có thời hạn, làm việc lưu động, học tập tại các địa phương khác có thời gian dài hơn thời gian cấp thuốc kháng HIV ngoại trú quy định hoặc người đang điều trị thuốc kháng HIV nhưng tạm trú tại địa phương khác thì người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương đương tuyến kỹ thuật ghi trên thẻ bảo hiểm y tế và có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS, trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tương đương ghi trên thẻ bảo hiểm y tế không điều trị HIV/AIDS thì người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở tuyến huyện có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS hoặc chuyển tuyến chuyên môn theo quy định.

Ví dụ: Trên thẻ bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế ghi: nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện đa khoa huyện A thì người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc điều trị HIV/AIDS tại Bệnh viện đa khoa huyện B (cùng hoặc khác tỉnh) hoặc nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh C thì người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc điều trị HIV/AIDS tại Bệnh viện đa khoa tỉnh D.

Trường hợp cơ sở y tế không làm được các xét nghiệm, dịch vụ y tế khác mà phải gửi người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm đến cơ sở đã được cấp thẩm quyền phê duyệt có đủ điều kiện để thực hiện các xét nghiệm, các dịch vụ kỹ thuật nêu trên, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán cho cơ sở y tế nơi gửi người bệnh hoặc bệnh phẩm theo giá dịch vụ kỹ thuật và phạm vi, mức hưởng bảo hiểm y tế đối với người có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; cơ sở y tế chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm có trách nhiệm thanh toán chi phí cho đơn vị thực hiện xét nghiệm, các dịch vụ kỹ thuật, sau đó tổng hợp vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Thông tư có hiệu lực từ 1/1/2019.

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

Trung tâm tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018 ( từ ngày 10/11/2018 đến ngày 10/12/2018)

Thực hiện Kế hoạch số 4721/KH-SLĐTBXH ngày 08/11/2018 của Sở lao động thương binh và xã hội về việc thực hiện tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018. Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 (từ ngày 10/11/2018 đến ngày 10/12/2018). Với các hoạt động như xét nghiệm mẫu máu phát hiện sớm nhiễm virut HIV, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm tác hại, dự phòng cho học viên, tổ chức giao lưu thể thao, giao lưu văn nghệ giữa cán bộ và học viên Trung tâm. 

Nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người nghiện ma túy về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và khuyến khích mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.



Ngày 12/11/2018, Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ phát động Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018. Tham dự lễ phát động có Đại diện Ban Lãnh đạo Trung tâm, đại diện Ban chấp hành Công đoàn và toàn thể học viên Trung tâm. Theo đó, chủ đề tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 là “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. 


Đ/c Nguyễn Văn Uyên - Phó giám đốc Trung tâm phát động Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018

Ngay sau lễ phát động Trung tâm đã bắt tay vào tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm virut HIV/AIDS và các văn bản quy phạm pháp luật khác trên loa truyền thanh Trung tâm; Treo băng rôn trước cổng trại đội và hội trường trại đội với khẩu hiệu “ Nhiệt liệt hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS 01/12/2018”.



Ngày 22/11/2018 Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tổ chức lấy mẫu máu xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm virut HIV/AIDS cho toàn thể học viên tại Trung tâm.




Ý thức được tầm quan trọng của căn bệnh thế kỷ và hướng tới mục tiêu 90-90-90. Ngày 30/11/2018 Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tổ chức buổi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS với mục đích tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ và học viên Trung tâm để hiểu rõ hơn về căn bệnh thế kỉ cũng như cách phòng tránh giúp mọi người trang bị cho chính bản thân những kiến thức cơ bản về căn bệnh này.



Qua chia sẻ đã góp phần định hướng cho học viên thực hiện pháp luật, chính sách về phòng chống HIV/AIDS; phổ biến, giới thiệu đến mọi người về các dịch vụ dự phòng lây nhiễm, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS.

Ngoài ra Trung tâm còn tổ chức giao lưu thể thao cho cán bộ và học viên các lớp nhằm thông qua các hoạt động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, tạo không khí vui tươi, đoàn kết, gắn bó. Ngoài môn bóng đá, trong năm nay chương trình giao lưu thể thao cũng có thêm nhiều môn thi đấu mới so với mọi năm như thi đấu bóng bàn, thi đấu kéo co, thi đấu cờ tướng. Chương trình giao lưu văn nghệ giữa cán bộ và học viên diễn ra vào tối ngày 05/12/2018 cũng có nhiều đổi mới. Với hình thức thi hát Karaoke gồm 3 dòng nhạc chủ đạo nhạc đỏ, nhạc trẻ, nhạc bolero. Mỗi thể loại nhạc đều chọn ra một ca khúc xuất sắc và được nhiều người yêu thích nhất để nhận giải thưởng.




Tình hình lây nhiễm HIV trong nước vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, số người nhiễm mới được phát hiện hàng năm vẫn còn, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng tăng, kéo theo sự gia tăng các trường hợp nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em. Có dấu hiệu gia tăng nhanh số người nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Trong khi đó, kiến thức chung về HIV/AIDS, việc thực hành các hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong nhóm người tiêm chích ma túy, người mua bán dâm… 

Hàng năm, cứ vào tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã chuyển tải kịp thời các quan điểm, mục tiêu, biện pháp đã được đề ra trong “Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”; phổ biến kiến thức dự phòng lây nhiễm và giới thiệu các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến toàn thể học viên tại Trung tâm. Nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức qua đó, nhận thức của học viên về phòng tránh HIV được nâng lên, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, kiên quyết đấu tranh với tệ nạn xã hội và những nguy cơ lây truyền HIV/AIDS.