Cổng vào Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Khu hành chính Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương.

Tập thể cán bộ Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương.

Lễ chào cờ tại Trung tâm

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương.

Các học viên tham gia giao lưu thể thao

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Đêm Giao lưu văn nghệ

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Tiết mục múa quạt của cán bộ Trung tâm

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Các y, bác sỹ khám chữa bệnh cho các bạn học viên

Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Chuyện đời phong ba của một doanh nhân từng là con nghiện nặng

Trong 6 năm nghiện ngập, Lê Trung Tuấn đã từng đi đâm thuê chém mướn, trộm cắp, cuớp giật… để có tiền hút chích. Nhưng sau đó, anh đã quyết tâm từ bỏ được ma túy và làm lại cuộc đời. Hiện Lê Trung Tuấn đang là chủ của một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội.

Tháng 10 vừa qua, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã quyết định xuất bản và cho in ấn hơn 5.000 cuốn tự truyện “Nẻo về”. Đây là cuốn sách có nội dung nói về cuộc đời của một người con ngoan trò giỏi, bỗng dưng xa ngã và trở thành một con nghiện.

Để có tiền chơi ma túy, chàng thanh niên hiền lành ngày nào không chỉ lừa dối người thân, bạn bè, mà còn đi làm bảo kê, đi đâm thuê chém mướn, cướp giật, trộm cắp… Nhưng với khao khát được trở về làm người lương thiện, con nghiện ấy đã từ bỏ được ma túy rồi dần dần vươn lên trở thành một doanh nhân thành đạt. 


Tuổi trẻ dữ dội của Lê Trung Tuấn được anh kể lại trong tự truyện Nẻo về.
 
Đáng chú ý, tác giả cuốn “Nẻo về” không phải là một nhà văn hay một blogger chuyên nghiệp mà chính là nhân vật chính trong tác phẩm. Nói cách khác, "một con nghiện hoàn lương" đã kể về chính những năm tháng mà mình trở thành “thứ cặn bã” của xã hội một cách “trần trụi” nhất. Đó chính là Lê Trung Tuấn.

Tuổi thơ êm đềm
 
Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Lê Trung Tuấn vào một buổi chiều cuối tháng 11 khi anh đem theo hàng trăm cuốn “Nẻo về” từ Hà Nội đến tặng cho những học viên ở Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Thái Nguyên (Trại cai nghiện tại tổ 8, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên).

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Lê Trung Tuấn, đó là một doanh nhân có dáng người “to con”, vẻ mặt phúc hậu, diện bộ vét chỉnh tề, lịch lãm. Dáng vẻ của Tuấn khiến cho người ta khó hình dung được trước đây anh từng là một con nghiện tới mức “bẹp tai”, người gầy gò chỉ nặng chưa đầy 40kg.
 
 Ký sách tặng cho độc giả,
 
 Chia sẻ về cuộc đời mình, Tuấn cho biết, anh sinh năm 1977 trong một gia đình gia giáo ở xã Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Bố anh từng là bộ đội cụ Hồ, từng vào sinh ra tử trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước. Ông còn có thời gian làm trong Ban Cơ yếu Trung ương, được dân làng hàng xóm kính trọng. Mẹ Tuấn từng là Truởng khoa sản của bệnh viện đa khoa huyện Duy Tiên.

Cũng chính vì vậy, gia đình Tuấn được coi là gia đình có điều kiện so với bà con lối xóm ở Hòa Mạc, và Tuấn cùng người chị gái đã lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương hết mực của bố mẹ.

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp trung học, Tuấn thi đỗ trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh ở Như Quỳnh, Hưng Yên. Tại đây, phẩm chất của một học trò ngoan ngoãn, học giỏi, cộng thêm  việc “biết ăn nói” khiến Tuấn được thầy cô, bạn bè tin tưởng bầu làm lớp trưởng. Sau đó, chàng trai phố huyện này còn được cử đi học cảm tình Đảng và chuẩn bị được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bị ma túy "xỏ mũi"
 
Tuy nhiên, thời gian trôi đi, những cám dỗ nơi phố huyện Như Quỳnh đã dần dần “ăn mòn” bản chất “lương thiện” của Tuấn. Tuấn bắt đầu giao du với những người bạn lêu lổng chơi bời và lao vào những cuộc nhậu thâu đêm, những buổi hát karaoke đến “mỏi mồm”...
 
 
 Lê Trung Tuấn trong buổi giao lưu với học viên Trung tâm cai nghiện tỉnh Thái Nguyên.
 
 Thế rồi, điều gì phải đến cũng đã đến. Năm 1996, khi Tuấn đang học cao đẳng năm cuối, vào một buổi tối tụ tập bạn bè, khi đã ngà ngà hơi men, một vài người bạn đem thuốc phiện ra dụ dỗ với những lời đầy hấp dẫn: Đã là dân chơi thì phải dùng cái này; Thử đi phê lắm; Thử một lần cho biết; Một lần không nghiện đâu mà sợ… Vậy là, trong một phút mê muội, ngông cuồng của của tuổi trẻ, muốn được bằng bạn bằng bè, Tuấn đã lần đầu hút “chất khói trắng” chết người.

Nhưng đã dùng một lần thì có lần hai, đã dùng liều nhỏ thì sớm muộn cũng dùng liều lớn hơn. Cứ như vậy, Tuấn bỗng biến thành con nghiện lúc nào anh cũng không hay. “Tôi chìm vào thuốc phiện, rồi lại đánh đu đời mình với heroin. Lúc đầu là hút, sau là hít, sau nữa là bơm ma túy thẳng vào tĩnh mạch. Tôi thấm thía lắm, ma tuy là thứ mà đã dính vào rồi thì thành nô lê của nó. Nó xỏ mũi mình, xách mình đi như con vật, mình cũng phải chịu,” Lê Trung Tuấn “tự thú” trong cuốn tự truyện của mình.

Theo như lời Tuấn nói, ma túy đã hủy hoại tuổi trẻ của anh, đẩy anh xuống đáy và trở thành thứ cặn bã của xã hội. Bằng chứng là thời gian sau đó, anh đã lang thang đầu đường xó chợ, đi làm bảo kê, đâm thuê chém mướn, cướp giật, trộm cắp… miễn sao có tiền để hút chích. Vậy là, từ một chàng thư sinh được bạn bè yêu quý, Tuấn đã bị mọi người xa lánh, khinh bỉ.  
 
 Những cuốn Nẻo về đầu tiên đã đến tay những người lầm chân lỡ bước dính phải may túy.
 
“Hồi đó, cả làng ai cũng bàn tán xôn xao và cảnh giác với "thằng Tuấn nghiện". Có lần tôi đi sang nhà hàng xóm, bà chủ nhà liền bảo đứa con đang xem tivi rằng: Cất cái điều khiển đi, cảnh giác với thằng Tuấn nghiện, nó lại sang đấy! Rồi mỗi khi đi trên đường làng, nếu ai đó nhìn thấy tôi, họ lập tức rẽ đi đường khác để tránh mặt một người nghiện,” anh Tuấn đau đớn khi nhớ lại sự kì thị của mọi người.

Vì không chịu được “búa rìu” của dư luận, những trận đòn đau của người chồng nghiện ngập, người vợ đầu của Tuấn cũng phải buộc lòng dứt áo ra đi sau nhiều lần tự tử bất thành. Vậy là, bên cạnh Tuấn khi đó chỉ còn lại bố mẹ luôn động viên và không ngừng hy vọng một ngày nào đó Tuấn sẽ từ bỏ được ma túy.  

Tuy nhiên, đáp lại tình yêu thương của bố mẹ, trong một thời gian dài, Tuấn vẫn bị ma túy điểu khiển. Anh đã dùng mọi mánh khóe để bòn rút tiền của bố mẹ. Thậm chí, từng cái thau, cái chậu trong nhà cũng bị Tuấn bán đi để lấy tiền hút chích. Chỉ vì Tuấn nghiện mà gia đình anh từ chỗ có của ăn của để bỗng dưng trở nên nghèo nàn, kiệt quệ. Không những vậy, mỗi khi cơn nghiện lên, xin tiền không được, Tuấn đã quay ra chửi cả bà mẹ vô cùng kính yêu của mình...
 
 Lê Trung Tuấn (phải) thời còn là sinh viên cao đẳng.

“Trong 6 năm Tuấn bị nghiện, và khoảng 2 năm sau đó, tức gần 10 năm, chưa bao giờ bố mẹ Tuấn được ngẩng cao đầu trước hàng xóm láng giềng. Nhưng bố mẹ luôn ở bên cạnh Tuấn và không hết hy vọng ở Tuấn. Nhờ tình yêu thương của bố mẹ mà Tuấn đã từ bỏ được ma túy và làm lại cuộc đời,” Lê Trung Tuấn chia sẻ thêm. 

Hành trình trở thành doanh nhân
 
Sau 7 lần cai nghiện từ gia đình cho đến trung tâm cai nghiện tư nhân rồi trung tâm cai nghiện nhà nước, 2 lần chết lâm sàng và nhiều lần tự tử bất thành, cuối cùng, tới năm 2001, Lê Trung Tuấn cũng cai nghiện thành công.

Rời Trung tâm cai nghiện Hòa Bình, Lê Trung Tuấn bắt đầu sự nghiệp của mình với vỏn vẹn 650.000 đồng mà ban quản lý trại trả cho anh sau những ngày lao động tại đây. Ban đầu, Tuấn trở về quê chăn vịt, trồng sen, nuôi cá…

Sau đó, được sự giúp đỡ từ người thân, Tuấn đã đi khắp Bắc Nam để thu mua những xe máy cũ về tu sửa lại rồi bán lấy lãi. Khi công việc làm ăn thuận lợi, Tuấn chuyển sang kinh doanh thêm cả ô tô rồi thành lập Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Bằng (ghép tên của Tuấn và vợ). Đến năm 2010, Tuấn “nâng cấp” doanh nghiệp của mình lên thành Công ty Cổ phần Thương Mại và Du Lịch về nguồn có trụ sở tại Hà Nội. Hiện Tuấn đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là Bí thư Chi bộ công ty này. 
 
 
Hiện anh Tuấn đã trở thành một doanh nhân thành đạt.
 
Giờ đây, ở cái tuổi 36 nhìn lại quãng thời gian phong ba của đời mình vừa qua, Lê Trung Tuấn nói: “Cuộc đời của Tuấn, từ chỗ là một người nghiện vươn lên thành chủ một doanh nghiệp có thể coi là điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu ấy đã đến với Tuấn thì chắc chắn sẽ đến với những người nghiện khác.

13 năm qua, kể từ ngày từ bỏ ma túy, Tuấn luôn làm việc trung bình 20 giờ mỗi ngày. Tuấn miệt mài làm việc một phần là để vĩnh viễn quên đi thứ ma túy chết người. Tuấn thà chết trong lao động chứ nhất định không thể chết vì ma túy.
Bên cạnh đó, Tuấn luôn có một khao khát cháy bỏng là phấn đấu có đủ tiềm lực về vật chất để một ngày được trở lại những trung tâm cai nghiện trên cả nước, giúp đỡ một phần nào đó để những con người lầm đường lạc lối như Tuấn trước đây trở về với con đường lương thiện.”

Trong buổi giao lưu và tặng sách cho các học viên Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Thái Nguyên mà chúng tôi nhắc tới ở trên, những câu chuyện mà Lê Trung Tuấn chia sẻ đã khiến nhiều "con nghiện" bật khóc. Họ khóc vì đồng cảm, thương cho những nỗi tủi cực của "Tuấn nghiện" trong quá khứ và cũng là hình ảnh của họ hiện tại. Khi được các học viên hỏi: Bí quyết nào mà anh có thể cai nghiện thành công, Lê Trung Tuấn bảo rằng:
“Trước hết, các bạn phải coi ma túy là chất độc đang và sẽ giết chết bản thân các bạn, bố mẹ và người thân của các bạn. Đó là kẻ thù của các bạn. Khi các bạn coi đó là kẻ thù thì các bạn phải chiến đấu chống lại nó. Bởi không ai muốn sống chung với kẻ thủ cả. Đây là một cuộc chiến mà chỉ có kết quả là mất hoặc còn. Các bạn phải từ bỏ ma túy ngay lập tức. Nếu không, các bạn sẽ chết vì nó. Hãy nghĩ đến cảnh bố mẹ già, con cái các bạn đang bơ vơ ở nhà và cần các bạn chăm sóc, nuôi nấng.”  
 

Anh đang trong cuộc hành trình tìm tới những trại cai nghiện trong cả nước để chia sẻ, nắm tay những "con nghiện" trở về trên những nẻo đường tươi sáng.
 
 Với tự truyện Nẻo về, Lê Trung Tuấn “hy vọng cộng đồng xã hội hãy bớt đi sự kỳ thị với những người lầm lỡ dính vào ma túy, hãy mở rộng vòng tay nhân ái để dắt họ về với những nẻo đường tươi sáng". 

Tuấn mong muốn cuốn sách của mình, cuộc đời của mình sẽ đến từng trường trung học và cao đẳng, đại học… để các em học sinh sinh viên biết về hoàn cảnh khốn khổ, nhục nhã nhất của con người khi dính phải ma túy. Từ đó, để các em biết sợ và tránh xa chất độc chết người này./.

Hành trình cai nghiện trở thành người có ích cho xã hội

Hành trình cai nghiện trở thành người có ích cho xã hội


 “Ma túy không những lấy đi của mình tất cả mà còn mang đến cho mình những nỗi đau để đời.. Ma túy đã cướp đi sinh mạng của người em ruột rịt máu mủ của mình. Nhìn em chết ngay trước mặt khiến mình thức tỉnh ,  mình quyết tâm từ bỏ ma túy. Giờ thấy anh em cùng cảnh như mình sống một cuộc sống “người không ra người, ma không ra ma” bẩn thỉu dặt dẹo vì ma túy mình không đành lòng…” Đó là những tâm sự rất thật của anh Nguyễn Thành Long - một người nghiện đã làm lại cuộc đời và còn giúp nhiều người nghiện từ bỏ ma túy. Có lẽ vì điều đó mà người ta vẫn gọi anh với cái tên “Chú Long cai nghiện”



Cả 4 anh em đều nghiện ma túy

Long đã có một sự “vượt thoát” ngoạn mục và hơn thế anh còn đang trở thành người giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khác cai nghiện, hoàn lương. Hiện tại anh còn mở cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện ở Điện Biên. Gia đình Long quê gốc ở Thanh Hóa do hoàn cảnh khó khăn nên cả nhà dắt díu nhau về Tuần Giáo định cư. Học hết lớp 4 Long đã phải rời xa mái trường và đó cũng là lúc bố mẹ anh mỗi người một nơi. Hạnh phúc gia đình đổ vỡ, bố đi xây dựng gia đình với người phụ nữ khác, mẹ ở vậy nuôi 4 đứa con nheo nhóc. Long là con cả, từ sớm đã phải dấn thân kiếm tiền cùng mẹ chèo lái nuôi các em. Nhưng trớ trêu thay trong những năm tháng mưu sinh đó, Long đã gặp những phần tử xấu và đi vào con đường chích hút, nghiện ma túy. Đang là một thanh niên khỏe mạnh, Long trở thành đệ tử của ma túy từ khi nào không hay.

Thiếu bàn tay dạy dỗ của người cha, lại bỏ học lang thang kiếm tiền mưu sinh thành ra, Long sa ngã. Ba đứa em trai cũng lần lượt dính nghiện. Một nhà có 4 người nghiện ma túy không khác gì một đại họa. Mẹ Long ngày đêm mất ăn mất ngủ vì 4 thằng con nghịch tử. Gia đình không còn thứ gì đáng giá trong nhà. Thế nhưng, tất cả đều phá phách, đắm mình trong ma túy, những cố gắng của một người mẹ không đủ. Mọi của cải gia đình đều… đội nón ra đi.

Tìm lại một con đường
Mẹ Long đã từng van lạy Long hãy từ bỏ ma túy để làm gương cho các em. Long mủi lòng, bởi thấy mẹ gầy yếu, vất vả. Rồi anh thấy những giọt nước của mẹ lặng thầm giấu vào đêm. Lúc đó anh thật sự thấy mình là đứa con tội lỗi. Lòng thương mẹ trỗi dậy. Đó là lần đầu tiên, những giọt nước mắt mặn mòi của sự ân hận rơi trên má anh. Long nói với mẹ: “Con quyết tâm từ bỏ ma túy, làm gương cho 3 đứa em”. Nghe thế, mẹ anh vừa mừng vừa lo không biết liệu rằng con mình có bỏ được không? Nhưng cũng phải hy vọng, tạo điều kiện giúp đỡ con.

Sau nhiều cố gắng và nỗ lực rồi Long cũng bỏ được ma túy. Thoát khỏi “nàng tiên nâu” năm 2001 anh chính thức xây dựng gia đình. Long xin vào công tác trong ngành văn hóa của huyện Tủa Chùa. Là cán bộ nên thường xuyên phải đi công tác vùng sâu, vùng xa. Tại đây một lần nữa Long nghiện lại và mất việc. Sự cùng cực khiến Long như rơi vào chốn u mê. Những ngày tháng còn lại đối với anh đầy bế tắc như một cái vòng luẩn quẩn buồn bã. Đã biết bao lần Long quyết tâm, biết bao lần Long tự cai nhưng không thành. Có lúc, muốn để mặc cho số phận muốn ra sao thì ra, nhưng lại nghĩ thương mẹ, thương các em. Những lúc đó Long lại muốn trở về  là một con người theo đúng nghĩa, không còn lệ thuộc vào ma túy nữa, nhưng khó quá.

Long kể lại: “Lần đó tôi tự mua thuốc về để cai cùng với người em trai. Hai anh em tự nhủ: nốt lần này không được thì phó mặc cho số phận. Thế nhưng đúng ra tôi phải là người uống liều thuốc đó trước, người chết phải là tôi chứ không phải em trai tôi. Vậy mà…”. Giọng anh chùng xuống khi nhắc đến sự cố em trai chết vì thuốc cai nghiện mà chính anh mua về. Cũng chính cảnh tượng đó đã in hằn trong sâu thẳm nỗi đau của cuộc đời Long. Cái chết của người em trai khiến anh thức tỉnh nhận ra phải từ bỏ ma túy. Quyết tâm cai thuốc một lần nữa và anh đã  thành công, rồi còn giúp đỡ để nhiều người cai nghiện. Long tâm sự: “Hễ là người nghiện bất kể là ai nếu mình cứu họ thoát khỏi ma túy sẽ khiến lương tâm của một người đã thoát nghiện như mình thanh thản”.

Với tố chất thông minh, Long đã làm ăn lương thiện. Rồi khi có vốn, anh thành lập Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Long Minh, với nhiều hoạt động ngành nghề kinh doanh như: Vận tải taxi, xây dựng, khai thác vật liệt xây dựng, quặng. Ngoài ra công ty của anh còn gia công cơ khí và kinh doanh các loại cửa…

Những lao động mà Long tuyển vào công ty cũng một phần là những người nghiện. Không chỉ giúp họ đoạn tuyệt với ma túy, chính anh đã mở ra một hướng đi mới cho những người sau khi cai nghiện có việc làm, giúp nhiều gia đình có lại hạnh phúc. Tại địa phương, anh được họ gọi với cái tên “chú Long cai nghiện”.

Có lẽ, sau khi “tìm lại bản thân” Long biết thế nào là giá trị đích thực của cuộc sống. Anh cũng mong nhiều người từng nghiện ngập, lầm lỡ hãy biết đứng lên, để mở ra cho mình một con đường, con đường về phía sáng.


Kỉ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 -19/12/2016)


Kỉ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến

(19/12/1946 -19/12/2016)




BỐI CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN CHỦ TRƯƠNG PHÁT ĐỘNG TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
  Tình hình thế giới và trong nước sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945
  Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống trên thế giới. Các nước phát xít Đức, Ý, Nhật bị đánh bại còn đế quốc Anh, Pháp tuy thắng trận nhưng đã suy yếu. Đế quốc Mỹ tận dụng các lợi thế, nhanh chóng vươn lên cầm đầu phe tư bản chủ nghĩa, ra sức lôi kéo, tập hợp lực lượng phản động để chống lại các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Do vậy, mâu thuẫn chi phối quan hệ quốc tế lúc này là mâu thuẫn giữa các lực lượng hòa bình, dân tộc, dân chủ và hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô làm trụ cột với lực lượng đế quốc, phản cách mạng do Mỹ đứng đầu.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các thuộc địa; làm cho các thế lực đế quốc và bọn phản động quốc tế hết sức lo sợ, tìm mọi cách chống phá hòng thủ tiêu Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Mỹ công khai ủng hộ, giúp đỡ Pháp quay lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương. Đế quốc Anh xuất phát từ quyền lợi thực dân và theo quỹ đạo của Mỹ cũng ra sức ủng hộ ý đồ của thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương.
Trên thực tế, chính quyền cách mạng non trẻ của ta phải đối phó với muôn vàn khó khăn, đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Bên trong, “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc nội phản hoành hành. Bên ngoài, giặc ngoại xâm liên tục tấn công. Từ vĩ tuyến 16 trở ra là 20 vạn quân Tưởng, từ vĩ tuyến 16 trở vào có hơn 1 vạn quân Anh và hơn 6 vạn quân Nhật cùng nhiều đảng phái phản động lăm le lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lập lại chính quyền tay sai và cướp nước ta lần nữa. “Giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”đang đe dọa vận mệnh dân tộc ta.
Chủ trương cứu vãn hòa bình của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội.
Trước tình hình đó, cùng với việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng cách mạng, tránh phải đối phó với nhiều kẻ thù, khi thì chúng ta tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng để rảnh tay đối phó với quân Pháp, khi thì tạm thời hoà hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng và bọn tay sai ra khỏi đất nước.  
Chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, giữ độc lập tự do cho Tổ quốc, rồi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14/9/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ, Liên Xô và các thành viên của Liên hợp quốc, nêu rõ thiện chí hoà bình, mong mỏi Liên hợp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam để duy trì hoà bình. Đồng thời, Người liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp người cầm đầu Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hoà bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu. Nhưng giới cầm quyền thực dân đã khước từ mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của chúng ta.
Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Bất chấp những thiện chí hòa bình của Việt Nam, trong các ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 17/12/1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh. Ngày 18/12/1946, tướng Môlie gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Chúng tuyên bố nếu các yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang hành động chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946.
Vậy là kẻ thù đã đặt dân tộc Việt Nam trước hai con đường: một là khoanh tay, cúi đầu trở lại nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập. Tình thế đó buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không có lựa chọn nào hơn là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc.
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA “LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN” QUYẾT TÂM CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC, BẢO VỆ TỔ QUỐC
Ngày 18 và 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiều ngày 19/12/1946, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày và giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, đồng thời quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.
Sáng ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết ngày 19/12/1946) được phát đi khắp cả nước:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!
Đó là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (viết xong ngày 12-12-1946) và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh đã xác lập đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính; trở thành ánh sáng soi đường cho dân tộc ta đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
HƯỞNG ỨNG LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN, CẢ DÂN TỘC TA ĐOÀN KẾT MỘT LÒNG CHIẾN ĐẤU CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC, GIÀNH THẮNG LỢI VẺ VANG
  Chuyển đất nước vào thời chiến và chuẩn bị kháng chiến lâu dài
Thủ đô Hà Nội, nơi có Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi thực dân Pháp có ý định đánh úp cơ quan đầu não và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta đã trở thành chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Sau đòn tiến công chủ động, đồng loạt và bất ngờ lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, quân và dân Thủ đô tiếp tục triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, tản cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân; chuyển hàng ngàn tấn máy móc, vật tư ra An toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến. Quân và dân Thủ đô đã đánh hàng trăm trận, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giam chân chúng dài ngày trong thành phố, tạo điều kiện để cả nước bước vào chiến tranh, triển khai thế trận chiến đấu lâu dài.
Phối hợp với Thủ đô Hà Nội, quân và dân các đô thị ở Bắc vĩ tuyến 16 cũng giành được thắng lợi quan trọng. Quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ. Đồng thời, cùng với những cuộc chiến đấu trực tiếp với quân Pháp, chúng ta thực hiện cuộc tổng di chuyển các cơ quan, kho tàng, máy móc vào An toàn khu. Đến tháng 3/1947, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, Mặt trận đã được chuyển lên Việt Bắc an toàn. Việt Bắc trở thành Thủ đô của cuộc kháng chiến toàn quốc. Ở các địa phương cũng diễn ra việc di chuyển cơ quan vào các vùng nông thôn hoặc những nơi rừng núi, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc giữa các địa phương và Trung ương ở chiến khu Việt Bắc. Nhân dân các vùng có chiến sự cũng triệt để thi hành chính sách “vườn không nhà trống”, tản cư ra vùng tự do.
Chỉ sau một thời gian ngắn, mọi hoạt động của đất nước đã chuyển hướng theo hoàn cảnh thời chiến và phục vụ kháng chiến lâu dài. Cuộc chiến đấu oanh liệt, sáng tạo của quân, dân Thủ đô Hà Nội và của cả nước trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và ý chí xâm lược của kẻ thù, làm tiền đề vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo của cuộc kháng chiến.
Đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính; vừa kháng chiến vừa kiến quốc, giành thắng lợi vẻ vang
Khi cơ hội tìm kiếm giải pháp hòa bình không còn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chủ động mở đầu cuộc kháng chiến đúng thời điểm và kịp thời chuyển cả nước vào thời chiến, xây dựng thực lực và thế trận chiến tranh nhân dân. Căn cứ địa kháng chiến được củng cố, đời sống đồng bào dần ổn định, bước đầu tổ chức lại sản xuất. Hoạt động đối ngoại được tăng cường làm cho nhân dân tiến bộ thế giới, trước hết là nhân dân Pháp hiểu biết về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Về phía Pháp, với bản chất cố hữu của kẻ thực dân, nên sau khi được tăng cường lực lượng, chúng mở rộng vùng chiếm đóng, ráo riết thực hiện đòn tấn công quyết định để sớm kết thúc chiến tranh. Thu - Đông năm 1947, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương huy động lực lượng lớn, mở cuộc hành quân lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não, tiêu diệt quân chủ lực, phá tan căn cứ kháng chiến của ta. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và tinh thần sáng tạo, quyết tâm cao, quân và dân ta chiến đấu ngoan cường, giành thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 194
7, làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, mở ra giai đoạn mới cho cuộc kháng chiến.
Không thể sớm kết thúc chiến tranh theo ý định, các nhà cầm quân Pháp buộc phải chuyển sang “đánh kéo dài”, thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, đồng thời tiến hành “Chiến tranh tổng lực”, tăng cường đánh phá nhiều cơ sở của ta. Trước âm mưu của địch, chúng ta không ngừng chiến đấu, phối hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh kinh tế và chính trị; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng tiềm lực kháng chiến.
Đến năm 1950, lực lượng kháng chiến của ta trưởng thành về mọi mặt, Đảng và Chính phủ quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới phía Bắc, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa. Sau 29 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân dân ta đã làm nên thắng lợi quan trọng, tạo ra bước ngoặt căn bản, đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta bước sang giai đoạn phản công và tiến công. Quân Pháp lui dần về thế phòng ngự.
Lợi dụng sự sa lầy cuộc chiến tranh Đông Dương của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp, ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến này nhằm thực hiện âm mưu ngăn chặn phong trào cộng sản tràn xuống Đông Nam Á và sẵn sàng thay Pháp để kéo dài chiến tranh. Trước tình hình đó, Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951) xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới. Phát huy thế tiến công chiến lược, quân dân ta giành được những thắng lợi quan trọng trên các chiến trường như Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào,… Chiến tranh nhân dân phát triển đã đẩy quân địch lún sâu vào thế bị động. Trong khi đó, thế và lực của cuộc kháng chiến ngày càng được củng cố, lực lượng vũ trang ba thứ quân được tăng cường, bộ đội chủ lực ngày càng vững mạnh, hậu phương được củng cố là chỗ dựa, góp phần quan trọng vào thắng lợi của tiền tuyến.
Hòng xoay chuyển tình thế, dựa vào viện trợ Mỹ, Pháp lập kế hoạch Nava nhằm lấy lại quyền chủ động, tiến tới tiêu diệt bộ đội chủ lực ta để kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, trước sự chỉ đạo chủ động, linh hoạt của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh, sự chiến đấu kiên cường dũng cảm của quân và dân ta, kế hoạch trên bị thất bại, buộc Nava phải đưa quân chủ lực lên Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm khổng lồ để tiêu diệt “chủ lực Việt Minh”. Nhưng sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đập tan cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp, tạo nên “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, kết thúc oanh liệt cuộc tiến công Chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới: thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. 
Khi đất nước ta mới giành được chính quyền chưa được bao lâu thì lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng nhờ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định đúng tình hình, đưa ra đường lối đúng đắn, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành được thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta đang ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh đất nước sau 30 năm đổi mới đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, nhưng bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Thủ tục tiếp nhận người đến cai nghiện tự nguyện

Thủ tục tiếp nhận người đến cai nghiện tự nguyện gồm những nội dung sau:



1. Đơn cai nghiện tự nguyện, chữa trị tại Trung tâm ;

2. Hợp đồng cai nghiện tự nguyện của học viên và Trung tâm;
Tải về mẫu hợp đồng cai nghiện tự nguyện cho người chưa đủ tuổi vị thành niên

3. Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận tạm trú dài hạn ( Có công chứng hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu)


Địa chỉ: Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy Hải Dương - Khu dân cư Cầu Dòng - Phường Cộng Hòa - Thành phố Chí Linh - Tỉnh Hải Dương;

Số điện thoại liên hệ:  
02203.585.633
0964.161.936    - Phòng Tư vấn & Công tác Cộng đồng
0987.987.364    - Đ/c Quỳnh
035.262.6215    - Đ/c Thăng
0968.811.456    - Đ/c Huy

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QĐND (22/12/1944 – 22/12/2016)




KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QĐND (22/12/1944 – 22/12/2016) QUÂN ĐỘI TA: Luôn “ vì nhân dân mà chiến đấu phục vụ.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Tháng 12/1944 Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, khẳng định: “… Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc khắp đất nước Việt Nam”.

Tự Người đã viết nhiều tài liệu tập huấn cách đánh giặc, mở lớp quân sự và đào tạo nhiều cán bộ chỉ huy ưu tú cho quân đội. Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh to lớn cho quân đội ta, giúp quân đội ta làm nên những kỳ tích trong chiến tranh cũng như thời bình.

Hy sinh chiến đấu để bảo vệ non sông đất nước vừa là lẽ sống cao cả, vừa là phẩm chất cao đẹp của quân đội ta. Cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần ý chí “Độc lập hay là chết”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược, dù buổi đầu bao giờ chúng cũng mạnh hơn ta gấp nhiều lần, quân đội ta đều vượt qua mọi khó khăn trở ngại, chiến đấu cực kỳ dũng cảm, giành thắng lợi vẻ vang.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 và chiến thắng 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là những cột mốc bằng vàng trong lịch sử dân tộc và có ý nghĩa quốc tế rộng lớn. Những năm tiếp theo, quân đội ta hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn và tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc.

Trong hòa bình, quân đội ta ra sức học tập, rèn luyện tập, trung xây dựng Quân đội ta theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Quân đội ta thể hiện lòng “trung với Đảng, trung với nước” bằng hành động cách mạng cụ thể, luôn sẵn sàng chiến đấu cao, luôn đề cao cảnh giác cách mạng làm thất bại mọi âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ta, quân đội ta.

Khác hẳn với quân đội của các nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản trên thế giới trước đây và hiện nay, ngay từ buổi đầu quân đội ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản xây dựng theo mô hình một quân đội kiểu mới, là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ. Để bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc, trước họa xâm lăng của thực dân đế quốc, nhân dân thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội ta đã gởi những người con thân yêu của mình vào quân đội cầm súng chiến đấu. Và chính nhân dân cùng quân đội động viên, giáo dục, rèn luyện con em mình phát huy dòng máu anh hùng của tổ tiên từ ngàn xưa phục vụ sự nghiệp ngày nay. Nhân dân không chỉ là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng quân đội mà còn kề vai sát cánh với quân đội phục vụ chiến đấu hoặc trực tiếp chiến đấu chống quân thù.

Về vai trò to lớn của nhân dân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của quân đội từng nói: “Nước ta vốn là một nước nhỏ, đất không rộng người không đông… Nhưng bọn xâm lược thường là những lực lượng lớn hơn ta gấp bội. Trong hoàn cảnh phải lấy nhỏ đánh lớn như vậy, để giữ vững mảnh đất quê hương, để chiến thắng những kẻ hung bạo, dân tộc ta phải phát huy sức mạnh của toàn dân, của cả nước, không thể chỉ cậy vào quân đội” (1). Đây là nét đặc trưng, là bí quyết hàng đầu của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mà cũng là nền tảng của mối quan hệ quân dân không ngừng được vun đắp và phát huy.

Bởi vậy cán bộ, chiến sĩ quân đội coi mình là con em nhân dân, là quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn tâm niệm “hiếu với dân”, “vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình”. Thực hiện nghiêm chỉnh lời thề danh dự thứ 9 “Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân” và Lời dạy của Bác Hồ: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân” (2), “Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng” (3), mối quan hệ tốt đẹp đó trở thành một giá trị văn hóa, đạo đức cao quý của cộng đồng.

Khi chiến đấu, quân đội dũng cảm xáp mặt quân thù. Trở về hậu phương, quân đội được sống trong tình dân ấm áp, ở dân thương mến cảm phục gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”, đi dân luyến tiếc nhớ nhung. Phong cách ứng xử đối với dân của quân đội là “Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều là một tuyên truyền viên tự nguyện. Đóng quân ở đâu, quân đội đều tích cực giúp đỡ nhân dân, các đoàn thể và chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị địa bàn, phát triển kinh tế – xã hội, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân.

Quân đội ta có các chức năng: vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Nhiệm vụ của quân đội là: Luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; chiến đấu quên mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và nhân dân. Để làm được những điều nói trên, quân đội ta đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản. Đây là nguyên tắc cơ bản bất di bất dịch, có ý nghĩa quyết định sức mạnh chiến đấu và sự trưởng thành của quân đội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng về chính trị cho quân đội, xem đó là tư tưởng chỉ đạo cơ bản, xuyên suốt. Xây dựng bản chất cách mạng của giai cấp công nhân gắn liền với xây dựng tính dân tộc và tính nhân dân của quân đội, tiến hành thường xuyên cả về phương diện chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhờ đó, quân đội ta đã chứng tỏ là lực lượng chiến đấu đồng thời là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ quân đội có lòng yêu nước và yêu Chủ nghĩa xã hội nồng nàn, quyết tâm phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp đó.

Bảy mươi hai năm qua, Quân đội ta luôn “Trung với Đảng, hiếu với dân…”, “vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ” và luôn ghi nhớ lời Bác: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”  không ngừng phấn đấu để ngày càng tiến bộ, trưởng thành.

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

PHÁT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG MỤC TIÊU 90-90-90 CỦA LIÊN HỢP QUỐC VIỆT NAM CAM KẾT CHẶN ĐẠI DỊCH AIDS VÀO NĂM 2030

PHÁT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG MỤC TIÊU 90-90-90 CỦA LIÊN HỢP QUỐC VIỆT NAM CAM KẾT CHẶN ĐẠI DỊCH AIDS VÀO NĂM 2030


Chiều ngày 25/10 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 nhằm hướng tới việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Tham dự và chủ trì buổi lễcó Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; cùng tham dự có nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Ngài Michel Sidibe, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS); PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng hơn 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ban ngành đoàn thể Trung ương, các tổ chức phi chính phủ quốc tế...
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Michel Sidibe thể hiện quyết tâm, cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của LHQ đưa ra 
Mục tiêu 90-90-90 là phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định.
Tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay, cả nước đã được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho hơn 2 nghìn người nghiện ma túy và điều trị ARV cho gần 90 nghìn người nhiễm HIV/AIDS. Nhờ đó mà số người nhiễm HIV mới, số bệnh nhân AIDS và tử vong đã giảm liên tục trong 7 năm qua. Tuy nhiên, nước ta đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Mỗi năm vẫn có khoảng từ 12 nghìn  đến 14 nghìn người nhiễm mới HIV; nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS còn thiếu nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài và chưa bền vững. Theo ước tính, Việt Nam mới phát hiện được khoảng 56% số người mới nhiễm HIV, còn khá xa để đạt được mục tiêu 90– 90 -90. Vì vậy, để đạt được mục tiêu 90-90-90cần ưu tiên các giải pháp: Giám sát chủ động các ca bệnh; mở rộng mạng lưới xét nghiệm, phân cấp đến y tế cơ sở để những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS dễ tiếp cận; tăng cường truyền thông, hiểu biết, giảm kỳ thị phân biệt đối xử;  mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị, tăng nhanh số lượng bệnh nhân; chú trọng, theo dõi chặt chẽ chất lượng điều trị…Đồng thời tiếp tục khống  chế để dịch không tăng thông qua các biện pháp can thiệp giảm hại hiệu quả, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS.Kinh phí dành cho phòng chống HIV/AIDS cần nhanh chóng được chuyển đổi từ việc dựa chủ yếu vào viện trợ sang huy động đa dạng các nguồn lực từ trung ương, địa phương đến cộng đồng, xã hội.“‘Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, Viêt Nam đầu tư 1 USD cho phòng chống HIV/AIDS bây giờ sẽ mang lại 10 USD vào năm 2030. Với mức độ đầu tư trung bình 92 triệu USD/năm chúng ta có thể cứu được 150.000 người không bị nhiễm HIV và kết thúc đại dịch này vào năm 2030”.
Phát biểu tại buổi lễ, ngài Michel Sidibe đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đạt được trong công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian qua và cho biết, đây là một trong những lý do mà LHQ chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 nhằm hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Và bày tỏ tin tường Việt Nam sẽ thực hiện thành công dựa trên những kết quả hết sức ấn tượng như:  số ca nhiễm mới đã giảm 50%, những ca tử vong giảm 50%, 65% số bà mẹ mang thai được tư vấn, xét nghiệm, điều trị nhiễm HIV/AIDS và đến năm 2015 hoàn toàn có thể thanh toán được các ca lây nhiễm từ mẹ sang con.



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo buổi lễ phát động 
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, mục tiêu 90-90-90 đầy thách thức nhưng Việt Nam quyết tâm thực hiện bằng được vì không chỉ phục vụ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn vì sự ổn định và phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tếvới tư cách là cơ quan thường trực về phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm là cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế xây dựng kế hoạch hành động chung để thực hiện các mục tiêu này; khẩn trương tham mưu, đề xuất cụ thể với Chính phủ về các giải pháp, các hoạt động và kinh phí cần thiết để thực hiện kế hoạch hành động chung.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ cảm ơn đối với LHQ và các tổ chức quốc tế đã tích cực giúp đỡ Việt Nam phòng chống HIV/AIDS thời gian qua; mong muốn các tổ chức này tiếp tục quan tâm, giúp đỡ Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vàNgài Michel Sidibe, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chủ trì buổi họp báo giải đáp những câu hỏi của các phóng viên về khó khăn cũng như thách thức để thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc đưa ra tại Việt Nam.



Hưởng ứng ngày phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương tổ chức giao lưu thể thao và sau đây là một số clip và hình ảnh của buổi giao lưu